Vi bằng là gì

Vi bằng là gì  ? Rủi ro mua bán nhà qua vi bằng

Dù biết việc mua bán này là bất hợp pháp nhưng có nhiều người dân vẫn bỏ ra từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng để mua, với hy vọng sau này sẽ được Nhà nước hợp thức hóa quyền sở hữu…

Thời gian qua, tại địa bàn một số phường, xã của quận 12 và huyện Hóc Môn có hàng trăm căn nhà “ba chung” (chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung giấy phép xây dựng, chung số nhà) mọc lên và được mua bán bằng giấy tay, có chứng thực bằng vi bằng của các Văn phòng Thừa phát lại.

Có vi bằng xác nhận là yên tâm (!?)

 

Ông H., chủ một căn nhà “ba chung” ở hẻm 126/25 đường TA 18, khu phố 4, phường Thới An (quận 12), rao bán căn nhà 1 trệt, 2 lầu, diện tích khoảng 3,5m x 8m với giá 660 triệu đồng. “Đây, giấy tờ chỉ có thế này thôi, gồm sổ đỏ, giấy phép xây dựng và quyết định cấp số nhà – đều là bản photocopy, chịu mua thì đi với tôi ra Văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng là xong”, ông H. nói với chúng tôi. “Giấy này đâu hợp pháp, phải có bản chính mới được”, chúng tôi thắc mắc và ông H. một mực khẳng định đúng luật rồi, mua bán có vi bằng chứng thực còn sợ gì. Chỉ tay về dãy nhà có hơn chục căn vừa xây xong, ông H. nói đã có mấy người đặt cọc mua, có căn đầu hẻm giá tới hơn 1 tỷ đồng cũng có người mua và đã dọn về ở. Một trường hợp khác, bà M.B. (ngụ huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) đưa chúng tôi xem bản vi bằng do Thừa phát lại Phạm Quang Giang (Văn phòng Thừa phát lại quận 5) lập ngày 31-8-2016 chứng thực việc mua bán một căn nhà “ba chung” ở xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn). Nội dung được Thừa phát lại Phạm Quang Giang xác nhận: “Bên yêu cầu và bên tham gia đã hiểu rõ và tự chịu trách nhiệm về tính xác thực của các văn bản, giấy tờ liên quan mà không yêu cầu thừa phát lại thẩm tra hay xác minh”. Kèm vi bằng này là bản thỏa thuận mua bán nhà bằng giấy tay và hình ảnh bên mua và bên bán lập hồ sơ giao dịch. Thủ tục và nội dung phủi bỏ trách nhiệm này vẫn được hai bên ký tên và có dấu đỏ của Thừa phát lại xác nhận.

Bà M.B. nói: “Có việc gì cứ túm áo người bán và ông thừa phát lại này chứ lo gì”. Khi chúng tôi đưa ra giả thiết, người chủ đứng tên khu đất đang giữ giấy tờ bản chính đem cầm cố, chuyển nhượng hoặc thế chấp ngân hàng rồi thì làm sao biết, bà M.B. vẫn một mực quả quyết “không có chuyện đó đâu, mua bán đã có pháp luật xác nhận thì sợ gì” (!?).

Những căn nhà “ba chung” tại phường Thới An, quận 12 đang được người dân mua bán qua vi bằng

Ở xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) hiện có khoảng gần 1.000 căn nhà “ba chung”. Trong đó, các ấp Tam Đông 1, Tam Đông 2, ấp Đông 1, ấp Đông 2, ấp Trung Đông 1… là nhiều nhất và nhiều khu được xây 2, 3 năm nay, có nhiều căn mua bán qua tay vài đời chủ. Giá bán cũng tùy căn, phổ biến từ 500 – 800 triệu đồng/căn (1 trệt, 1 lầu, diện tích 3,5m x 8,5m). Hàng trăm hộ dân đã dọn về các khu nhà “ba chung” này sinh sống nhiều năm nay và phần lớn đều không nhập được hộ khẩu, không được cấp bất cứ giấy tờ gì xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hợp pháp.

Nhà không giấy tờ pháp lý, thấy lo thì đừng mua

Đó là lời khuyên của Thừa phát lại Phạm Quang Giang khi chúng tôi tìm đến Văn phòng Thừa phát lại của ông tại số 805 Trần Hưng Đạo (phường 1, quận 5). Ông nói với chúng tôi: “Hiện nay, ở quận 12 và huyện Hóc Môn đều mua bán nhà “ba chung” bằng vi bằng như thế cả. Nhà xây đều có giấy phép cho cả khu sau đó họ chia nhỏ diện tích thành nhiều căn nên không hoàn công được. Vi bằng chỉ là chứng cứ giữa người bán và người mua đã trả tiền cho nhau. Hiện nay thì như thế thôi, thay vì giấy tay, giờ có vi bằng”. “Việc mua bán này có hợp pháp không?”, chúng tôi hỏi. Ông Giang thừa nhận chỉ hợp lệ chứ không hợp pháp vì không có đủ giấy tờ pháp lý.

“Nhưng nhà có đồng hồ điện, đồng hồ nước lo gì”, ông Giang nói. “Nhưng tôi cầm những giấy tờ này đi giao dịch được không?”. “Được, anh bán lại người khác cũng bằng vi bằng, bán bất cứ lúc nào, có khi lại còn nhanh hơn giấy tờ hợp pháp nữa(!?)”, ông Giang nói.  Chúng tôi lặp lại tình huống người chủ khu nhà đem giấy tờ bản chính đi cầm cố, thế chấp hoặc ký hợp đồng bán cho người khác, người mua theo vi bằng làm sao biết, thì được ông Giang trả lời: “Thế thì chịu”. Thế nhưng, ông Giang lại quả quyết nhà “ba chung” vẫn nhập được hộ khẩu, có đường dây lo hết, chịu chi thêm một ít nữa là xong. Dịch vụ cho một bản vi bằng được ông Giang đưa ra là 3 triệu đồng.

Thấy tôi có vẻ phân vân, ông Giang nói: “Mua bán nhà giấy tay có vi bằng xác nhận chứng cứ việc mua bán, giao tiền là có thật. Mua nhà loại này nếu sợ thì không nên mua. Chứ giấy tờ photocopy thế này rồi bán qua bán lại cho người khác nữa cũng không ai biết được. Không biết thì đừng mua, một căn nhà mấy chục mét vuông mà 600 – 700 triệu đồng, lỡ chuyện gì mất toi. Chưa kể có tranh chấp gì nữa thì mệt lắm…”, ông Giang quả quyết.

Related Articles

Back to top button